Vitamin là dưỡng chất thiết yếu, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển và duy trì sức khỏe của tôm. Các loại vitamin tham gia vào quá trình sinh lý, chuyển hóa và nâng cao hệ miễn dịch, giúp tôm tăng khả năng chống chịu bệnh tật, giảm stress và phát triển nhanh chóng. Hãy cùng Shrimpharmaqua theo dõi bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về việc bổ sung các loại vitamin cần thiết cho tôm.
Các loại Vitamin cần thiết cho tôm
Mỗi loại vitamin đều có những vai trò và nhu cầu khác nhau đối với sự phát triển của tôm. Vitamin được chia làm 2 nhóm chính:
Nhóm vitamin tan trong nước gồm: các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12, v.v.) và vitamin C. Các vitamin này không được lưu trữ trong cơ thể và dễ bị mất trong nước, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiệt độ cao, nên cần được bổ sung thường xuyên thông qua chế độ ăn. Những vitamin này tham gia vào nhiều quá trình như chuyển hóa, tiêu hóa, hô hấp, miễn dịch, chống oxy hóa, và phục hồi vết thương.
- Các vitamin nhóm B đóng vai trò thiết yếu trong quá trình sống của tôm. Hỗ trợ cho việc tăng trưởng và sinh sản, giúp chuyển hoá năng lượng và protein. Việc thiếu hụt các vitamin nhóm B làm tôm giảm ăn, tiêu hoá kém, màu sắc tôm nhợt, chậm phát triển.
- Vitamin C đóng vai trò rất quan trọng trong sức khỏe của động vật thủy sản vì chúng không thể tự tổng hợp loại vitamin này mà phải hấp thu từ thức ăn. Vitamin C giúp tổng hợp collagen, tăng cường hệ miễn dịch, chống stress và hỗ trợ hấp thu sắt. Thiếu vitamin C có thể gây ra bệnh chết đen ở tôm và các bệnh lý khác. Đặc biệt, giai đoạn ấu trùng cần nhiều vitamin C hơn để tăng sức đề kháng và phát triển nhanh.
Nhóm vitamin tan trong chất béo: bao gồm vitamin A, D, E, và K. Những vitamin này được hấp thụ qua đường tiêu hóa, tan trong chất béo và sau đó đi vào máu để thực hiện chức năng của mình. Lượng Vitamin thừa sẽ được lưu trữ trong gan và mỡ, đảm bảo nguồn dự trữ lâu dài cho cơ thể.
- Vitamin A: Cần thiết cho mắt tôm, bảo vệ vỏ, cơ và đường ruột, hỗ trợ vận chuyển canxi và phát triển phôi. Thiếu Vitamin làm tôm giảm ăn, chậm lớn, mắt đục, màu sắc nhợt nhạt.
- Vitamin D: Giúp hấp thu và chuyển hóa canxi, photpho, giúp chắc khỏe cơ thịt và vỏ tôm. Thiếu hoặc thừa vitamin D đều ảnh hưởng đến việc tăng trưởng.
- Vitamin E: Chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào và hỗ trợ tổng hợp ADN. Thiếu vitamin E làm cho tôm chậm lớn.
- Vitamin K: Có vai trò trong duy trì đông máu và tham gia vào chuyển hóa khoáng chất. Thiếu vitamin K có thể làm giảm sinh trưởng của tôm.
Cách bổ sung vitamin
Cách bổ sung Vitamin phổ biến là trộn vào thức ăn hoặc hòa vào nước rồi tạt xuống ao. Cách thức này tùy thuộc vào loại vitamin, giai đoạn phát triển, tình trạng sức khỏe và điều kiện môi trường của tôm.
- Bổ sung vào thức ăn: trộn đều vitamin với thức ăn, giúp tôm hấp thu trực tiếp qua đường tiêu hoá. Để tăng khả năng thẩm thấu của vitamin khi trộn vào thức ăn, cần để 20-30 phút trước khi cho tôm ăn.
- Bổ sung vào nước: hoà tan vitamin rồi tạt xuống ao, thường được bổ sung khi tôm bị bệnh, gặp stress hoặc môi trường nuôi thay thổi thất thường.
Những điều cần lưu ý khi sử dụng vitamin
Trong quá trình sử dụng vitamin, cần lưu ý một số điểm sau:
- Kiểm tra quá trình hấp thu: Để đánh giá hiệu quả của việc bổ sung vitamin, cần kiểm tra thường xuyên mức độ sử dụng thức ăn của tôm. Giúp xác định chế độ ăn có phù hợp và có cần điều chỉnh liều lượng vitamin hay không.
- Lưu ý đến các yếu tố nuôi: Chế độ bổ sung vitamin cần được điều chỉnh theo kích thước, tốc độ tăng trưởng và thói quen ăn uống của tôm. Cùng với đó, cần tính đến khả năng tổng hợp vitamin thực vật từ ruột tôm và loại hình nuôi (siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh).
- Dinh dưỡng và môi trường: Mức độ dinh dưỡng trong chế độ ăn và các đặc tính lý hóa của nước ao cũng ảnh hưởng đến hiệu quả bổ sung vitamin. Đảm bảo rằng môi trường nuôi tôm là tối ưu để vitamin có thể phát huy tác dụng.
- Cân nhắc lượng vitamin bổ sung: Liều lượng vitamin được bổ sung hợp lý, không nên bổ sung quá nhiều vitamin vì có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Tổng kết
Việc bổ sung vitamin cho tôm đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ sự phát triển, sức khỏe và tăng năng suất.Tuy nhiên, việc bổ sung cần được thực hiện một cách cân nhắc và phù hợp, dựa trên các yếu tố như thói quen ăn uống, hệ thống nuôi và điều kiện môi trường,… Cần tránh bổ sung thừa vitamin có thể dẫn đến ngộ độc, trong khi kết hợp với kháng sinh hay hóa chất có thể làm giảm hiệu quả của vitamin. Do đó, bổ sung vitamin phải được thực hiện trong điều kiện môi trường thuận lợi và ổn định để tôm hấp thụ tối ưu, từ đó nâng cao sức khỏe và hiệu suất nuôi trồng.
Xem thêm sản phẩm tại đây : BVITACOM –Vitamin tổng hợp và khoáng chất chống sốc, kích thích tôm bắt mồi
Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH SHRIMPHARMAQUA
- Địa chỉ: 79/22 Lê Thị Riêng, Thới An, Quận 12, TP.HCM
- Hotline: 0828.39.3456 – 085.990.3456 – 082.275.3456
- Website: nghenong.vn hoặc shrimpharmaqua.com