Gan tụy đóng vai trò then chốt trong hệ tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường và chế độ nuôi hiện nay, khiến tôm dễ mắc các bệnh về gan như: sưng gan, teo gan, vàng gan,… ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và hiệu quả sản xuất. Hãy cùng shrimpharmaqua tìm hiểu về bài viết Bảo vệ gan tụy tôm – Chìa khóa nâng cao năng suất nuôi trồng.
Về gan tuỵ trên tôm
Gan tụy, còn gọi là tuyến ruột giữa, là cơ quan tiêu hóa chính của tôm, nằm ở phần sau ngực và trước tim, có màu nâu vàng và được sắp xếp theo cặp. Gan tụy bao quanh phần trước của dạ dày môn vị và sau là đường ruột. Một cặp ống gan nối trực tiếp với đường tiêu hóa, đi qua phía bụng tại ngã ba giữa dạ dày môn vị và dạ dày giữa.
Gan tụy phối hợp với dạ dày và ruột, đóng vai trò quan trọng trong tiêu hóa, chuyển hóa dinh dưỡng và hỗ trợ sự phát triển của tôm.
Chức năng của gan tuỵ ở tôm
Gan tụy trên tôm đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng, hỗ trợ quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm. Các chức năng chính bao gồm:
- Chức năng tiêu hóa và hấp thụ dinh dưỡng: gan tuỵ tổng hợp và tiết ra enzyme tiêu hóa như amylase, lipase, protease, giúp phân giải thức ăn thành các dạng acid amin và chất dinh dưỡng dễ hấp thụ. Đồng thời, đây là cơ quan tiếp nhận đầu tiên các chất dinh dưỡng sau khi được tiêu hóa.
- Chức năng lưu trữ và cung cấp năng lượng: gan tụy chuyển hóa và dự trữ các chất dinh dưỡng dưới dạng năng lượng. Nguồn dự trữ được cung cấp cho tôm trong giai đoạn đói, lột xác hoặc sinh sản.
- Chức năng giải độc: gan tụy giúp loại bỏ độc tố từ thức ăn, môi trường và chất thải. Các độc tố được chuyển hóa tại gan tụy trước khi đào thải ra ngoài, giúp duy trì sức khỏe và giảm stress cho tôm.
- Hỗ trợ tạo máu và miễn dịch: gan tụy đóng vai trò trong việc hỗ trợ tạo máu và sản sinh các chất miễn dịch, giúp tôm chống lại các bệnh do vi khuẩn và mầm bệnh khác.
- Hỗ trợ bài tiết và sinh trưởng: gan tụy ảnh hưởng đến quá trình bài tiết, thời gian lột xác, điều hòa sắc tố cơ thể và vận chuyển ion trong máu. Ngoài ra, nó cung cấp năng lượng cho quá trình sinh trưởng, phát triển và sinh sản.
Nguyên nhân gan tuỵ bị tổn thương trên tôm
Lượng thức ăn cho tôm dư thừa, làm gan tuỵ tiết enzyme tiêu hoá hoạt động quá tải, làm tổn thương gan tuỵ. Sử dụng kháng sinh và vitamin quá mức cũng gây áp lực lên gan tụy, sản sinh độc tố có hại.
Ngoài ra, căng thẳng và thay đổi môi trường đột ngột như biến động nhiệt độ, pH, Do có thể ảnh hưởng xấu đến gan tụy. Khi gan tụy mất khả năng đào thải độc tố, các chất độc sẽ tích tụ trong cơ thể, gây hại.
Di truyền từ tôm mẹ, thức ăn ôi thiu hoặc mốc chứa vi khuẩn gây bệnh, cũng như quản lý lượng ăn không hợp lý (ăn quá ít hoặc quá nhiều) đều có thể dẫn đến tổn thương gan tụy. Các yếu tố độc tố từ môi trường như khí độc, tảo độc hay hóa chất cũng làm suy yếu gan tụy.
Nếu không được phòng ngừa và điều trị kịp thời, bệnh gan tụy có thể gây chết hàng loạt trong ao nuôi.
Các bệnh thường gặp trên gan tôm
Trạng thái của gan tuỵ tốt
Màu sắc gan tôm là dấu hiệu quan trọng phản ánh sức khỏe tiêu hóa và khả năng hấp thụ dinh dưỡng. Gan tôm khỏe mạnh thường có màu nâu đen hoặc nâu vàng, với lớp màng gan màu vàng nhạt bao quanh một nửa dưới gan, dễ quan sát qua vỏ giáp phần đầu tôm.
Dịch gan của tôm khỏe mạnh có màu nâu vàng nhạt, hơi sệt, không chảy khi bóp nhẹ, và có mùi tanh nhẹ đặc trưng, cho thấy gan tụy hoạt động tốt. Một số giống tôm còn dễ dàng quan sát phần dạ dày màu nâu đen hình hạt gạo rõ nét.
Trạng thái của gan tuỵ khi bị bệnh
Khi gan tụy tôm bị nhiễm bệnh, các chức năng của nó sẽ bị suy giảm, dẫn đến những biểu hiện rõ rệt. Gan tụy có thể bị sưng gan, teo gan, vàng gan hoặc có dấu hiệu hoại tử, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa, hấp thụ dinh dưỡng và giải độc của tôm. Tôm bị bệnh gan tụy thường có màu gan thay đổi, từ màu nâu bình thường chuyển sang màu nhợt nhạt, vàng hoặc nâu đen. Dịch gan cũng có thể thay đổi, trở nên đục, có mùi hôi hoặc mùi tanh nặng. Các triệu chứng khác bao gồm tôm kém ăn, yếu ớt, lột xác không hoàn toàn hoặc lột xác không đúng thời gian, sức khỏe suy giảm và có thể chết hàng loạt nếu không được điều trị kịp thời.
Một số bệnh thường gặp về gan tuỵ như
- Bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (AHPND), hay còn gọi là hội chứng tôm chết sớm (EMS), khiến gan và tụy tôm teo nhỏ, màu nhạt và trắng dần. Ruột tôm rỗng hoặc bị đứt đoạn, vỏ tôm mềm. Bệnh do vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây ra, có thể lây lan từ môi trường nước ao và tạo ra độc tố phá hủy mô, rối loạn chức năng gan tụy, có tỷ lệ chết cao.
- Bệnh vàng gan, nhũn gan: gan tôm trở nên nhũn, dễ vỡ và màu vàng nhạt. Khi tách gan, gan sẽ dễ vỡ, màu vàng nhạt và nhũn mềm. Nguyên nhân có thể là nước ao ô nhiễm, pH thấp, tảo tàn, kim loại nặng, hoặc chất lơ lửng bám vào mang
- Bệnh teo gan, gan tôm bị teo nhỏ, màu đen, khi tách gan ra khỏi đầu tôm, có thể thấy gan bị teo, không vỡ mà có cảm giác hơi dai. Tôm bị bệnh này thường trống ruột khi chết, nhưng gan vẫn nguyên khối. Tôm thường chết rải rác, những con chưa nhiễm bệnh vẫn ăn bình thường, nếu được chăm sóc tốt, bệnh có thể vượt qua được và không bùng phát dịch bệnh.
Biện phát phòng ngừa gan tuỵ cho tôm
- Để phòng ngừa bệnh gan tụy trên tôm, cần chú trọng chọn giống khỏe mạnh, sạch bệnh, nên kiểm tra bằng phương pháp PCR trước khi thả nuôi.
- Ao nuôi cần được chuẩn bị kỹ lưỡng bằng cách nạo vét, phơi đáy, diệt khuẩn nước, sử dụng vi sinh tạo cân bằng sinh học và cấp nước qua màng lọc để loại bỏ mầm bệnh.
- Môi trường ao phải được duy trì ổn định với pH, độ kiềm, và hàm lượng oxy phù hợp, đồng thời kiểm soát mật độ tảo và các chỉ số môi trường nước.
- Mật độ nuôi tôm vừa phải, sử dụng thức ăn chất lượng, đủ dinh dưỡng, tránh dư thừa để hạn chế áp lực lên gan tụy.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh và hóa chất quá liều, ưu tiên thảo dược và các sản phẩm hỗ trợ chức năng gan.
- Thường xuyên kiểm tra sức khỏe tôm, theo dõi chất lượng nước, bổ sung vi sinh hỗ trợ tiêu hóa và xử lý đáy ao để giảm khí độc, tạo môi trường nuôi thuận lợi.
Xem thêm: Jett Aqua – Thảo dược tăng sức đề kháng, phòng ngừa bệnh gan tuỵ, chống viêm nhiễm đường ruột.
Tổng kết
Qua bài viết, người nuôi có thể hiểu rõ hơn về vai trò quan trọng của gan tụy đối với tôm cũng như các bệnh thường gặp và cách phòng ngừa hiệu quả. Việc áp dụng những biện pháp phòng bệnh đúng đắn sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, đảm bảo sức khỏe cho tôm và nâng cao hiệu quả sản xuất trong quá trình nuôi trồng.
Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH SHRIMPHARMAQUA
- Địa chỉ: 79/22 Lê Thị Riêng, Thới An, Quận 12, TP.HCM
- Hotline: 0828.39.3456 – 085.990.3456 – 082.275.3456
- Website: nghenong.vn hoặc shrimpharmaqua.com