Hiện nay bệnh phân trắng trên tôm vẫn đang phổ biến và gây thiệt hại lớn đến người nuôi khi bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn giữa và cuối chu kì nuôi. Dấu hiệu dễ nhận biết của bệnh thường là sự xuất hiện của các sợi phân trắng nổi trên bề mặt nước trong các ao nuôi. Vậy đâu là dấu hiệu nhận biết và phòng ngừa bệnh kịp thời, mời bà con cùng Shrimpharmaqua tham khảo bài viết Triệu chứng bệnh phân trắng trên Tôm và cách nhận biết sớm.
Bệnh phân trắng ( White Feces Syndrome – WFS) – Nguyên Nhân Gây Bệnh
Phân trắng là loại bệnh phổ biến trong tôm nuôi thường bắt đầu gặp từ thời điểm tôm nuôi được 40 ngày trở đi, có nhiều tác nhân có thể gây bệnh. Ban đầu, có thể chỉ một nhân tố cụ thể gây bệnh trước, sau đó các nhân tố khác có cơ hội tấn công tiếp khi tôm đã bị suy yếu khả năng kháng thể.
Do nguyên nhân gây bệnh đôi khi không phải chỉ do một tác nhân nên việc trị bệnh chỉ thực sự đem lại hiệu quả nếu chúng ta xác định đúng nguyên nhân. Bệnh thường xảy ra khi nhiết độ kéo dài > 32oC, ôxy hòa tan < 3 ppm; Nồng độ các chất hữu cơ cao > 100 ppm; Nồng độ Vibrio cao > 1 x 102 CFU/ml; Độ kiềm < 80 ppm và > 200 ppm. Ngoài ra còn do các nguyên nhân gây bệnh sau:
- Thức ăn: Tôm ăn phải thức ăn kém chất lượng hoặc bị nấm mốc, độc tố dẫn đến bệnh đường ruột, bệnh phân trắng… Bệnh sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn ở những ao cho thức ăn dư thừa.
- Tảo độc: Tôm ăn phải các loại tảo độc như: tảo lam, tảo giáp… trong ruột các loại tảo này tiết ra enzyme có khả năng gây tê liệt biểu mô, khiến ruột tôm không hấp thụ được thức ăn và không tiêu hóa được, dẫn đến tình trạng ruột bị tắc nghẽn gây bệnh phân trắng trên tôm.
- Do ký sinh trùng Gregarine: Gregarine nhóm nguyên sinh vậy ký sinh trung gian trên nhóm thân mềm 2 vỏ và nhóm giun tơ xâm nhập vào tôm khi chúng ăn phải những vật chủ trung gian, chúng sẽ bám vào thành ruột của tôm, gây tổn thương ruột dẫn đến hiện tượng phân trắng.
- Do vi bào tử trùng Enterocytozoon hepatopenaei: vi bào tử trùng chuyên ký sinh trên gan tụy của tôm và có thể gây ra bệnh phân trắng.
- Do nhóm vi khuẩn Vibrio: nhóm vi khuẩn trong hệ thống gan tụy, đường ruột và phân tôm thuộc các nhóm Vibrio parahaemolyticus, Vibrio fluvialis, Vibrio alginolyticus, Vibrio mimicus, Vibrio vulnificus, Vibrio cholera và Vibrio damselae.
- Do môi trường bị ô nhiễm: Nước ao chứa nhiều chất hữu cơ, khí độc hoặc biến động nhiệt độ, pH, độ mặn cũng tạo điều kiện cho tảo độc, vi khuẩn, virus phát triển xâm nhập làm tôm suy yếu.
Triệu chứng
Những con tôm bị nhiễm bệnh nặng sẽ trở nên sậm màu hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan tụy và đường ruột sẽ đổi thành màu trắng. Với các dấu hiệu như sau:
- Phân trắng nổi trên mặt nước: phân tôm màu trắng đục dễ dàng nhìn thấy trên nhá, nổi trên mặt ao hoặc tập trung góc ao, cuối hướng gió.
- Đường ruột bất thường: Quan sát thấy ruột tôm có biểu hiện đứt khúc, rỗng hoặc có màu nhạt hơn bình thường hoặc có màu trắng như phân tôm.
- Vỏ tôm mềm: Trong một số trường hợp, tôm bị mềm vỏ, ốp thân, mang đen hoặc kém sắc.
- Gan tuỵ: Kiểm tra bằng phương pháp mô học của mẫu tôm bị bệnh phân trắng thì thấy gan cũng bị tổn thương, màu sắc nhợt nhạt, mềm nhũn, tế bào gan bị chết từng điểm bong ra.
- Tôm giảm ăn, chậm lớn: Tôm giảm ăn hoặc bỏ ăn, lượng thức ăn trong ao còn dư nhiều. Tôm bơi yếu, chậm phát triển, dễ tách đàn.
Chẩn đoán bệnh
- Bệnh phân trắng trên tôm thường xảy ra ở giai đoạn tôm lớn (thường trên 40 ngày tuổi).
- Dựa vào các dấu hiệu bệnh lý, ghi chép thông tin để ghi lại diễn biến của bệnh phân trắng.
- Kiểm tra quá trình thâm canh để tìm hiểu nguyên nhân. Các mầm bệnh khả nghi có thể gây ra bệnh phân trắng (đáy ao bẩn, chất lượng thức ăn kém, tảo độc…).
- Xét nghiệm vi khuẩn Vibrio và ký sinh trùng (Gregarine) trong gan và ruột tôm.
- Xét nghiệm MBV, HPV để xác định tôm có bị bệnh virus hay không, để có phương pháp điều trị kịp thời.
Phòng bệnh
- Ao nuôi cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi thả giống. Đối với ao đất, toàn bộ chất cặn bã, bùn phải được loại bỏ hoàn toàn. Nước cấp vào ao nuôi cần phải được xử lý hóa chất để loại bỏ vi khuẩn gây bệnh.
- Kiểm soát Vibrio trong ao bằng cách luôn duy trì nồng độ thấp các chất hữu cơ như: Quản lý lượng thức ăn đúng nhu cầu và theo nhiệt độ nước, xi phông loại bỏ chất thải, duy trì mật độ tảo, sử dụng vi sinh phân hủy các chất hữu cơ đáy ao và nước.
- Cho ăn lượng thức ăn theo nhiệt độ nước: Khi nhiệt độ nước tăng cao > 32oC, tôm thường ăn nhiều hơn nhưng thời gian thức ăn đi qua hệ thống tiêu hóa rất ngắn làm tăng lượng chất thải trong ao. Nhiệt độ cao cũng làm vi khuẩn phát triển nhanh hơn. Do vậy, khi nhiệt độ nước tăng cao, không tăng lượng thức ăn theo cách kiểm tra nhá thông thường.
- Chọn thức ăn chuyên dùng cho tôm, thức ăn có chất lượng, đầy đủ dưỡng chất. Cho tôm ăn thức ăn đúng kích cỡ cho từng giai đoạn nuôi, với lượng thức ăn phù hợp và không bị dư thừa. Thức ăn phải được bảo quản tốt, không nhiễm nấm mốc, độc tố.
- Bổ sung đầy đủ các chất tăng cường sức khỏe của tôm như vitamin, men vi sinh và khoáng chất thiết yếu. Kiểm soát tốt các loài tảo độc, độ kiềm trong ao.
- Luôn duy trì cân bằng hệ vi khuẩn có lợi trong ao bằng việc bổ sung thường xuyên vi sinh và duy trì hàm lượng oxy thấp nhất là 3,5 – 4 ppm.
Bệnh phân trắng trên tôm vẫn là mối đe dọa lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản. Việc hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và áp dụng các biện pháp phòng ngừa hiệu quả là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại. Người nuôi cần chú trọng quản lý môi trường ao nuôi, đảm bảo chất lượng thức ăn và tăng cường sức đề kháng cho tôm. Việc chuẩn bị ao nuôi kỹ lưỡng, theo dõi sát tình trạng tôm và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp sẽ giúp bảo vệ đàn tôm và đảm bảo vụ nuôi thành công.
Mọi ý kiến đóng góp và thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Công ty TNHH SHRIMPHARMAQUA
- Địa chỉ: 79/22 Lê Thị Riêng, Thới An, Quận 12, TP.HCM
- Hotline: 0828.39.3456 – 085.990.3456 – 082.275.3456
- Website: nghenong.vn hoặc shrimpharmaqua.com